Ðể nông dân được sử dụng nước sạch

Ngày đăng: 2017-04-03
Lượt xem: 894

Mục tiêu của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2 là 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 50% dân số sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Nhưng đến hết tháng 8/2011, TP. Hải Phòng chỉ có 40% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt chuẩn vùng nông thôn Hải Phòng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố công nghiệp-du lịch-dịch vụ. Vì sao có sự chậm trễ này?

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù từ năm 2003, HÐND thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về thực hiện Chương trình Nước sạch nông thôn. Trên cơ sở đó UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch nông thôn, vệ sinh nông thôn và các dự án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2003-2005 và giai đoạn 2006-2010; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, kết hợp các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao làm chủ đầu tư các Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố. Các dự án được phê duyệt đã bám sát chỉ đạo của Trung ương về chủ trương, cơ chế chính sách thực hiện cũng như các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… Công tác huy động nguồn lực cũng được triển khai linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ngoài nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia, vốn ngân sách thành phố, các địa phương còn huy động vốn của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, dịch vụ và từ các hộ dân được hưởng lợi từ dự án.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, Hải Phòng cũng gặp không ít khó khăn. Tiếng là thành phố công nghiệp và cảng biển, đô thị loại 1, nhưng Hải Phòng có tới gần 60% dân số sinh sống ở các vùng nông thôn, nghề nghiệp chính là làm nông nghiệp, ngư nghiệp nên mức sống thấp, đời sống kinh tế khó khăn, do đó khả năng đóng góp kinh phí xây dựng công trình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn hạn chế. Hơn nữa, một bộ phận dân cư nông thôn lại chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong đời sống sinh hoạt đối với sức khỏe, nên vẫn duy trì thói quen, tập quán cũ như sử dụng nước ao hồ cho sinh hoạt, dùng phân tươi cho nuôi trồng thủy sản, trồng trọt gây ô nhiễm nguồn nước ngầm… Trong khi đó, do đặc điểm phân bố về địa hình, trữ lượng nguồn nước tự nhiên, dân cư và mức thu nhập khác nhau nên việc triển khai thực hiện cũng không thống nhất. Thành phố có 1,8 triệu dân thì có đến hơn một triệu người sống ở nông thôn, chiếm 60%; có 15 đơn vị hành chính gồm bảy quận và tám huyện, thì có tới hai huyện dân cư sinh sống trên đảo là Cát Hải và Bạch Long Vỹ. Vì vậy thói quen sinh hoạt sử dụng nước khác nhau. Dân cư các địa phương nơi đồng bằng có thể dùng nước hồ ao, giếng đào để sử dụng. Dân ngoài đảo, hay xóm thuyền chài thì sử dụng nước tự chảy từ trên núi xuống, hoặc nước mưa. Việc bố trí tuyên truyền triển khai các loại hình cấp nước và vệ sinh nông thôn ở các địa phương cũng khác nhau, và thiếu sự cân đối. Khu vực gần trung tâm thành phố, thu nhập khá làm trước, nơi khó khăn làm sau.

Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ hằng năm của Trung ương, địa phương và vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình. Ðến ngày 29-7 vừa qua, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hải Phòng mới nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 với tổng nguồn vốn gần 13 tỷ đồng. Với số vốn trên thì một số chỉ tiêu kế hoạch năm nay, như xây dựng 16 công trình cấp nước tập trung, 5.000 công trình cấp nước phân tán, bảo đảm cho 94% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 43% số dân sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt,… có thể sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương Hải Phòng cần coi trọng hơn nữacông tác bảo đảm nước sạch và vệ sinh nông thôn, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, qua đó tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách, quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ đó có kế hoạch bổ sung điều chỉnh cho phù hợp đặc điểm địa lý, tập quán sinh hoạt của mỗi địa phương, khu vực. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục truyền thông về nước sạch và vệ sinh nông thôn một cách rộng rãi cho người dân, đồng thời vận động nhân dân và các tổ chức kinh tế – xã hội và cá nhân trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Có cơ chế chính sách cụ thể để các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình với các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong khi nguồn vốn hạn chế cần tập trung ưu tiên cho những khu vực khó khăn về nguồn nước hoặc nước ngầm bị ô nhiễm nặng, trước mắt bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sau mới phấn đấu đến có nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Quá trình xây dựng dự án cần tiếp thu các mô hình mẫu về cấp nước và vệ sinh nông thôn do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Trung ương chuyển giao để lựa chọn áp dụng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương nông thôn. Kiểm tra và xét nghiệm nguồn nước đầu vào, đầu ra trước và sau khi bàn giao công trình cho địa phương đưa vào sử dụng; hướng dẫn thao tác vận hành máy móc thiết bị; tập huấn cho cán bộ quản lý của địa phương các quy trình công nghệ xử lý nước đối với từng công trình, tăng cường trách nhiệm của địa phương đối với công tác quản lý công trình cấp nước nông thôn. Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra thường xuyên các công trình đã xây dựng, có kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình nhằm bảo đảm cho các công trình hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

 

Nguồn:nuocsachhaiphong2